Học thế nào để tương lai không bị robot sa thải?

Công bố mới đây của Viện Nghiên cứu toàn cầu McKinsey Global (Mỹ) chỉ ra, đến 2030, máy tính sẽ thay thế 60% công việc hiện tại của con người, tức 800 triệu lao động sẽ mất việc vào tay các thiết bị công nghệ cao.

Theo các chuyên gia quốc tế, con số trên không chỉ là câu chuyện vĩ mô của các quốc gia, mà còn ảnh hưởng đến lối giáo dục, định hướng tương lai của bậc phụ huynh cho con em của mình. Một đứa trẻ chỉ được đào tạo những kiến thức, kỹ năng tương tự như một robot có nguy cơ nằm trong số 800 triệu lao động bị thay thế.

“Trong tương lai, nếu con em chúng ta muốn có công việc, chúng phải có những kỹ năng khác biệt với robot, sáng tạo, có óc phản biện và kỹ năng ứng xử xã hội linh hoạt. Trên thực tế, chúng ta chỉ mới dạy các em tư duy và xử lý vấn đề như những cỗ máy”, tờ The Guardian George Monbiot đề cập mới đây.

Trước hiện trạng đó, phương pháp học tập STEM được nhiều chuyên gia, nhà hoạch định giáo dục tại một số nước trên thế giới chọn lựa nhằm tăng cường tính sáng tạo, kỹ năng xử lý ứng xử xã hội cho học sinh.

STEM là chữ viết tắt tiếng Anh của bốn từ science – khoa học, technology – công nghệ, engineering – kỹ thuật và math – toán học. Thay vì dạy bốn môn học tách biệt và rời rạc, STEM kết hợp chúng thành mô hình học tập gắn kết dựa trên các ứng dụng thực tế. Qua đó, học sinh vừa học kiến thức khoa học, vừa học cách vận dụng vào thực tiễn.

STEM đề cao phong cách học hỏi sáng tạo – yếu tố kích thích niềm đam mê học tập của trẻ. Khi quan sát con chuồn chuồn, trẻ không chỉ dừng lại ở việc học tên sự vật mà sẽ được tìm hiểu nguyên lý giúp chuồn chuồn có thể giữ thăng bằng và bay giỏi với đôi cánh mỏng (khoa học), học cách phân tích tỷ lệ hoàn hảo của cơ thể chuồn chuồn (toán học), khám phá cách thức con người áp dụng thuật mô phỏng để chế tạo máy bay (kỹ thuật). Tất cả được hỗ trợ sinh động bởi các thiết bị thông minh (công nghệ).